THUỐC ĐÔNG Y
CHỮA BỆNH ĐAU MẮT
ĐỎ.
Năm nay ( từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2013), ở nước ta nói chung và Hà Nội
nói riêng vùng nào cũng mưa rất nhiều, với diện rộng. Do thời tiết thay đổi đột
ngột, số ngày mưa nhiều hơn ngày nắng; lại vào thời điểm giao mùa, nên bệnh tật
phát tán rất nhiều.
Đặc biệt hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang
lan thành dịch ở nhiều tỉnh, thành phố. Loại bệnh này, nhiều người đều dễ mắc
phải, với đủ các độ tuổi và giới tính.
Vậy bệnh đau mắt đỏ, được hiểu một cách tóm tắt như sau:
1- Theo dân
gian: Bệnh
đau mắt đỏ, dân gian vẫn thường gọi là “đau mắt gió”.
2- Theo Tây
y: Tây
y gần đây, theo quy định về thuật ngữ, thống nhất dùng từ viêm kết
mạc cấp.
Triệu chứng: Bệnh nhân thường có
những cảm giác ở hai mắt bị bệnh, như nóng rát, đau, nặng mắt, cảm giác như có
hạt cát trong mắt. Đôi khi kèm theo nhìn mờ, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh
sáng. Mi mắt sưng nhẹ, kết mạc mi sưng đỏ. Ghèn (nhử mắt) có thể bó chặt.
Ban đầu của bệnh chỉ là
ho, sốt, mệt, nóng rát mắt, cộm mắt, nhìn mờ. Sau vài ngày sẽ lây sang mắt còn
lại. Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc do virus adeno gây nên. Xảy ra ở mọi
lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa, tạo điều kiện cho virus dễ tấn công.
Bất kỳ ai cũng có thể bị
bệnh đau mắt đỏ. Bệnh lây truyền khi dùng chung khăn mặt, nước mắt, ghèn của
người bệnh đau mắt đỏ, khi người lành tiếp xúc với người bệnh.
Cho tới nay chưa có
thuốc ngừa bệnh đau mắt đỏ. Bệnh này lây lan rất nhanh, dễ phát thành dịch. Nếu
có người mắc bệnh đang ở trong cộng đồng đông người như: Trường học, bệnh viện,
công xưởng... người mắc bệnh nên ngay lập tức phải nghỉ ở
nhà để tránh lây lan cho cộng đồng xung quanh. Người bệnh nên hạn chế tối đa
tiếp xúc với người khác, nên đeo kính khi ra đường.
Bác sĩ chuyên khoa Mắt khám bệnh đau mắt đỏ cho bệnh nhân.
Hiện nay ( tháng 9 năm 2013) bệnh đau mắt đỏ (hay là viêm kết mạc cấp do virút) xuất hiện và lan tràn ở rất nhiều tỉnh, thành phố trên
toàn quốc. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến lao động,
học tập, giải trí của nhiều người và cộng đồng… Không ít trường hợp bệnh nặng
gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm giảm thị lực, có thể gây dẫn đến mù lòa.
Vì vậy, chúng ta cần phải
hiểu, biết cách phòng bệnh và điều trị bệnh đau mắt đỏ theo đúng phương pháp mà
ngành Y tế đã đề ra.
3- Theo Đông
y ( Y học cổ
truyền):
- Vì bệnh
phát triển 1 cách nhanh chóng nên được gọi là Bạo
Phong khách Nhiệt.
- Bệnh có
dấu hiệu mắt sưng đỏ, mắt đau nên còn gọi là: Hỏa
Nhãn, Hỏa Nhãn thống, Hồng Nhãn, Phong Hỏa Nhãn thống, Phong Nhiệt Nhãn.
- Bệnh có
tính chất lây lan thành dịch, nhiều người cùng bị, vì vậy cũng được gọi là Thiên Hành Xích Mục, Thiên Hành Xích Nhãn.
Triệu chứng chung:
Trên lâm
sàng thường gặp 2 loại sau:
1- Cấp Tính: Phát bệnh
nhanh, tròng trắng đỏ, sưng, nóng, nhiều dử (ghèn),
sợ sáng, nhìn không rõ, mi mắt hơi sưng, mũi nghẹt, mũi chảy nước, bí đại tiểu
tiện, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch Phù Sác.
2- Mạn Tính: Tròng
trắng mắt dày lên, nhiều tia máu, ngứa, nhặm, nóng, khô, sợ ánh sáng, nhìn lâu
mỏi mắt. Bệnh thường kèm mệt nhọc toàn thân, tăng nhiệt độ cơ thể, nhức đầu,
táo bón, tiểu ít, rêu lưỡi vàng, mạch Sác.
Thường 1 bên
mắt bị trước, mắt kia bị sau.
Bình thường,
bệnh diễn biến từ 3~ 4 ngày thì khỏi, riêng các vết xuất Huyết dưới kết mạc còn
đọng lại lâu hơn, chừng 1 tuần mới hết.
Bệnh hay
lây, thường phát vào cuối mùa hè, đầu mùa thu; do Can, Đởm thực, Hỏa bốc lên
gây nên bệnh đau đầu, mắt đỏ sưng, đó là bệnh cấp tính. Ở giai đoạn cấp tính,
nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp sẽ chuyển sang thể mạn tính.
+- Phương
pháp điều trị: Nếu bị bệnh nặng, lâu khỏi hãy dùng bài thuốc sau:
a- Bài
thuốc sắc: Long đởm tả Can thang gia giảm: Long đởm thảo, Chi tử, Mộc thông, Đương quy, sinh Địa hoàng, Sài hồ,
Hoàng cầm, Cát cánh, Viễn chí, Trạch tả, Xa tiền tử; mỗi vị 10g; Cam thảo; mỗi vị 5g; sắc
uống ngày một thang, dùng 3 ~ 5 thang một đợt điều trị.
Công hiệu: Tả Can, Đởm thực Hỏa, thanh hạ tiêu Thấp nhiệt.
Chủ trị: Can, Đởm thực, Hỏa đi lên gây nhiễu loạn, gây đầu đau, mắt đỏ sưng, sườn
đau, miệng đắng. Hoặc Thấp nhiệt rót xuống gây âm hộ sưng đau, ngứa. Vùng âm hộ
ra nhiều mồ hôi, tiểu tiện đục bí.
Giải thích bài thuốc:
-Bài này dùng Long đởm thảo rất đắng, rất Hàn. Trên thì tả Hỏa ở
Can, Đởm; dưới thì tiêu Thấp nhiệt ở hạ tiêu, đó là Quân.
-
Hoàng cầm, Chi tử thì có công năng khổ Hàn tả Hỏa và
trừ Thấp.
-Trạch tả, Mộc thông, Xa tiền tử thanh
Nhiệt, lợi Thấp khiến cho Thấp nhiệt bài trừ theo đường thủy đạo ( làm thông đại, tiểu tiện).
- Can tàng Huyết, Can kinh có Nhiệt vốn dễ tổn thương đến âm Huyết, dùng thêm khổ Hàn
để táo Thấp thì lại hại đến Âm, cho nên dùng sinh
Địa hoàng, Đương quy để tư Âm, dưỡng Huyết, làm kiên cố thêm cả gốc và ngọn.
- Dùng Sài hồ là để dẫn thuốc vào Can, Đởm; Cát cánh chữa ho, hen suyễn; Viễn chí để an thần, làm tăng thêm giấc ngủ.
- Còn Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.
Nhìn chung
bài thuốc này, trong tả - có bổ; trong thông lợi - có dưỡng, làm cho Hỏa giáng - Nhiệt
thanh, Thấp trọc tan, các chứng phát ra theo đường kinh, tương ứng mà khỏi
bệnh.
b-Bài thuốc lá để
xông hơi mắt:
Có thể dùng từ 4 ~ 5
loại cành và lá, như sau: Lá Dâu, lá Tre,
lá Sả, lá Bưởi, lá Chanh, lá Bạc hà, lá Kinh giới, lá trầu không… mỗi vị
15g ~ 20g ( Những bệnh nhân ở thôn quê có
thể tự kiếm được những vị thuốc như trên; còn đối với những bệnh nhân ở thành
phố, thị xã đi mua ở chợ, có bán sẵn, đủ vị ). Tất cả rửa sạch, vò vụn, cho vào
một chiếc nồi, hoặc soong nước đun lên cho sôi kỹ. Sôi khoảng 10~ 15 phút sau
thì đem ra dùng.
- Trước tiên, múc một bát nước ra để uống trước
khi xông hơi và một bát to đủ để rửa mắt sau này, đủ dùng cho từ 4 ~ 5 ngày.
- Tiếp theo cho ít muối sạch vào nồi nước lá vừa
đun, quấy đều cho tan muối.
+ -Cách xông
hơi:
Dùng một cái ghế, có lót
nồi cho đỡ nóng mặt ghế, rồi để nồi nước lá đó lên trên. Kiếm một cái ghế thấp
để ngồi, sao cho mặt, mắt người cao hơn mép nồi khoảng 20 ~ 25cm. Sau cùng dùng
một tấm vải rộng, sạch chùm lên đầu và tiến hành xông hơi.
Khi xông, mở nắp vung từ
từ, tập trung vào hai mắt và hít hơi mạnh, sâu cho Phổi được tiếp xúc hơi nóng,
sẽ làm cho tà khí ở Phổi thoát ra ngoài. Cứ thế, dần dần mở vung nồi rộng ra và
cuối cùng khuấy đều để tận dụng hơi nóng cho đến khi nguội hẳn.
Hơi nóng, gồm nhiều chất có tinh dầu, làm cho
các lỗ chân lông mở rộng ra. Từ lưng, ngực trở lên, nhất là vùng mặt, hai mắt và đầu, tà
khí ở trong người theo mồ hôi đổ ra ngoài. Mồ hôi đổ ra càng nhiều bao nhiêu,
thì người càng thấy dễ chịu bấy nhiêu. Sau khi xông hơi sẽ hết đau đầu, đau mắt; đỡ
ho và sẽ dần dần hết viêm họng...
Lưu ý: Nếu bệnh nhân nào vừa bị đau mắt đỏ, lại bị cảm nặng, sốt cao,
đầu đau âm ỉ, mỏi mệt dài ngày, có thể đun nồi nước xông lớn hơn để xông toàn
thân. Nồi nước lúc này để ở dưới sàn nhà tắm, dùng một cái ghế cao để ngồi.
Trên nồi, hoặc soong gác một thanh gỗ, hoặc thanh tre để chân trên đó. Dùng một
tấm vải rộng hoặc vỏ chăn chùm kín người, từ đầu đến chân.
Cách xông như trên, cũng mở vung nồi, hoặc soong cho hơi ra
từ từ. Cứ thế xông cho đến khi nước nguội thì thôi.
Trước khi xông cũng nên uống một bát nước lá đó và lấy ra
một bát to để rửa mắt sau này…
+ -Dùng nước để ngâm, rửa mắt hàng ngày:
Khi múc nước từ nồi ra
một bát to, hòa thêm ít muối sạch vào đó. Để bát thuốc nguội hẳn, rồi cho vào một
cái chai để dùng dần ( nếu có tủ lạnh thì
để vào tủ lạnh bảo quản được lâu hơn).
Một ngày hai lần: Sáng ngủ dậy, sau khi đánh răng, rửa mặt và
đêm trước khi đi ngủ, dùng thuốc để ngâm và rửa mắt.
Cách làm như sau: Đổ nước thuốc ở chai vào một cái tách uống nước
chè, có thể đổ thêm ít nước sôi cho ấm. Từng mắt một, ngâm trực tiếp vào tách
nước đó độ một phút, rồi chuyển sang mắt bên kia. Chứ thế làm đi, làm lại 5~6 lần, tương đương với 5 ~ 6 phút. Khi ngâm mắt, phải liên tục chớp
chớp mắt để rửa sạch bệnh đau mắt hột, hoặc những bụi bặm bám trong mắt ( nếu có).
Ngâm, rửa hai mắt đến
đâu, là sẽ thấy cảm giác dễ chịu đến đấy. Khi xong, dùng khăn mặt lau nhẹ bên ngoài, không để bất cứ loại nước gì
rây vào mắt. Có thể ngâm, rửa mắt một đợt điều trị, từ 3 ~ 4 ngày liền, cho đến
khi mắt hết đau.
Lần này, một bệnh nhân của tôi, bị đau mắt đỏ, đau đầu và ho, viêm họng; tôi đã dùng hai bài thuốc ở trên để điều trị và hướng dẫn cho cách sử dụng.
Sau 02 ~ 03
ngày điều trị, thực hiện đúng như tôi hướng dẫn, bệnh ho, đau đầu và hai mắt của bệnh nhân bị đau, cứ thế đã khỏi dần.
Bệnh nhân nào bị đau mắt đỏ, không có điều kiện mua thuốc uống, nên áp dụng bài thuốc lá ở trên, đun lên để xông và rửa mắt. Làm được như vậy, chắc chắn bệnh sẽ khỏi dần, không tốn kém gì, lại dễ áp dụng...
Tóm lại:
Bệnh đau mắt đỏ là một
bệnh dễ lây, mọi người nên giữ vệ sinh chung. Không nên dùng chung khăn mặt và
hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Người bệnh khi ra đường
phải đeo kính; khi mắc bệnh phải điều trị kịp thời, đúng phương pháp.
Không dụi mắt, dễ gây
viêm nhiễm giác mạc. Không tra thêm bất cứ loại thuốc mỡ nào.
Nếu bệnh nặng phải đi
khám chuyên khoa ở những cơ sở Y tế gần nhất, để kịp thời điều trị, đúng phương
pháp, không để hậu quả về sau.
Bệnh đau mắt
đỏ, đau đầu, ho điều trị theo đúng như hai phương pháp đã nêu ở trên, đảm bảo bệnh sẽ nhanh
khỏi, đạt hiệu quả chữa bệnh cao, ít tốn kém; mọi người nên tham khảo và áp
dụng./.
Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2013.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét